Theo các bạn Lào, xưa kia ngay tại chỗ Tháp Xá Lợi ở giữa khuôn viên chùa ngày nay có một cây Hang cổ thụ. Một vị sư già đã xuất hiện khá bí ẩn, hằng ngày tựa lưng vào cây Hang thiền định.
Đến một ngày, vị sư già thăng thiên trong tư thế tọa thiền. Chỗ nhà sư viên tịch người ta dựng lên tháp để lưu giữ xá lợi của ông. Mặc dù được người Pháp khôi phục lại vào năm 1930, nhiều chi tiết kiến trúc đã không còn giữ được nguyên gốc, nhưng trong dân gian, người Lào vẫn coi đây là mảnh đất thiêng vì được Phật giáng. "Ing Hang" theo tiếng Lào là “Tựa vào cây Hang”, một vị sư ở chùa giải thích trước khi cột chỉ cầu phúc cho chúng tôi.
Bên trong tường rào là 4 hành lang có mái che ken dày những tượng Phật bằng đất nung sơn màu vàng sắp hàng thẳng tắp. Tháp xá lợi hình chóp nón cao 10m ở chính giữa khuôn viên.
Chung quanh các góc tường và các cánh cửa gỗ là những tượng tròn bằng sa thạch, hoặc các phù điêu trang trí tinh vi bằng gỗ, mô tả đức Phật đang thiền định giữa đài sen, hình tượng chúng sinh, chim chóc, rắn và hoa lá…
Tại khu nhà lễ, nơi nhà sư tụng kinh, cột chỉ cổ tay để cầu phúc, có một tượng Phật bằng đồng chỉ cao khoảng 40 cm nhưng khá nặng, du khách sau khi khấn vái nếu nhấc lên được thì có nghĩa là “đã được độ trì” cho suốt hành trình của mình…
Một người bạn Lào nói với chúng tôi, bất cứ đoàn khách du lịch nào đi qua Tiểu vùng Mekong đều đến viếng That Ing Hang.
Đến đây, bao mệt nhọc trên đường hầu như được rũ bỏ. Cũng nhờ có That Ing Hang, bảo tàng khủng long, thư viện cổ bằng lá cây cùng những đền chùa cổ khác… mà du khách năm châu đã tìm đến Savannakhet ngày càng đông.